XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NĂM 2019 SẼ CÀNG KHỞI SẮC
Năm 2018, lĩnh vực xuất khẩu lao động lập kỷ lục mới cùng những tín hiệu tích cực từ nhiều thị trường hứa hẹn 2019 sẽ là năm nhiều khởi sắc.
Thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cho thấy có hơn 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, tăng 7% so với năm 2017. Năm 2018, Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) trở thành nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 67.000 lao động. Tiếp đến là Đài Loan với khoảng 65.000 lao động, Hàn Quốc đứng thứ ba với hơn 6.000 lao động.
Rộng cửa thị trường châu Âu
Báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu lao động cho thấy trong năm 2018 có 28 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó có 6 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Romania và Ả Rập Saudi. Lần đầu tiên có một quốc gia châu Âu nằm trong nhóm tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.
Thị trường châu Âu ngoài CHLB Đức đang tuyển chọn nhiều nhân lực ngành điều dưỡng từ Việt Nam thì mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết các văn bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Romania và Bulgaria trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Đây là 2 quốc gia Đông Âu có nhiều mối quan hệ thân thiết với Việt Nam và hiện có nhiều chính sách thu hút nhân lực từ Việt Nam.
Riêng với Romania, cũng đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt trong một số ngành nghề như: hàn, xây dựng, sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Romania đánh giá chất lượng lao động Việt Nam tốt, thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó.Bulgaria đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài vào làm việc để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước do số lượng lớn lao động nước này đã di cư sang các nước châu Âu để có thu nhập cao hơn. Bulgaria sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động (NLĐ) Việt Nam sang làm việc trong một số ngành nghề như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, sản xuất - chế biến, lái xe. Bulgaria cũng mong muốn phía Việt Nam quan tâm đến công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, pháp luật và phong tục tập quán, văn hóa của Bulgaria cho NLĐ trước khi sang đây làm việc.
"Tôi nhận thấy Romania và Bulgaria là thị trường tiềm năng có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, các ngành nghề phù hợp với NLĐ Việt Nam, chủ sử dụng lao động không đòi hỏi quá cao về kỹ năng nghề trong khi mức lương và thu nhập của NLĐ được bảo đảm. Bộ sẽ nỗ lực để trong tương lai gần sẽ có nhiều lao động Việt Nam có cơ hội sang làm việc hợp pháp tại 2 quốc gia Đông Âu này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Nhật Bản hút lao động
Trong hơn 140.000 lao động sang nước ngoài làm việc trong năm 2018 có tới 138.000 lao động sang các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, gồm Nhật Bản hơn 67.000, Đài Loan 65.000, Hàn Quốc hơn 6.000 lao động. Đây cũng là những nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong nhiều năm qua. Với sự phát triển như hiện nay, khu vực trên sẽ còn tiếp nhận số lượng lao động đến từ Việt Nam nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt lao động của mình.
Mới đây, Nhật Bản thông qua luật mới liên quan đến việc tiếp nhận lao động có trình độ, tay nghề và tiếng Nhật nhất định đến làm việc thời hạn 5 năm với tên gọi chương trình Kỹ năng đặc định (KNĐĐ).
Hiện lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo 2 chương trình là thực tập sinh kỹ năng (TTSKN) và lao động bậc cao (kỹ sư). Với chương trình KNĐĐ, NLĐ tham gia chương trình này sẽ có trình độ và yêu cầu thấp hơn kỹ sư nhưng cao hơn TTSKN, có thể xem là nhân sự trình độ bậc trung. Chương trình mới này được chia thành 2 phần là chương trình KNĐĐ số 1 và số 2. Chương trình số 1 cho phép TTSKN đã hoàn thành chương trình 3 năm và ứng viên chưa từng sang Nhật nhưng có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và trình độ tiếng Nhật nhất định. Ứng viên tham gia chương trình này không được phép đưa gia đình sang Nhật. Còn chương trình số 2 với nhiều yêu cầu cao hơn, ứng viên được phép gia hạn visa và đưa gia đình lưu trú dài hạn tại Nhật Bản.
Như vậy, năm 2019 sẽ có 3 chương trình làm việc tại Nhật gồm TTSKN, KNĐĐ và kỹ sư. Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, nhận định luật mới có hiệu lực từ tháng 4-2019 sẽ tác động không nhỏ đến lượng lao động nước ngoài đến Nhật Bản, trong đó lao động Việt Nam chiếm ưu thế. Với kết quả ấn tượng của năm 2018, hy vọng số lượng lao động Việt Nam sang Nhật trong năm 2019 sẽ còn cao hơn.
Nâng chất lao động xuất khẩu Ông Lê Long Sơn cho biết: "Lao động Việt Nam được đánh giá cao ở nhiều nước nhưng nếu các doanh nghiệp được phép phái cử lao động chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng thì hậu quả sẽ rất lớn. Tỉ lệ bỏ trốn, vi phạm kỷ luật lao động hay vi phạm pháp luật khi lao động nơi nước bạn làm việc sẽ xảy ra nếu công tác tuyển chọn, đào tạo và định hướng nghề nghiệp không được quan tâm. Do đó song hành với phát triển thị trường, việc kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo của các doanh nghiệp phái cử lao động phải đặt lên hàng đầu". |
Viết 1 ý kiến
Têncủa bạn:Ý kiến của bạn: Chú ý: Không hỗ trợ HTML !
Đánh giá: Tệ Tốt
Vui lòng nhập số vào ô bên dưới:
Reload